Làng nghề trong thực tiễn đời sống xã hội xưa nay vốn là một loại hình hoạt động kinh tế có tính văn hóa sâu sắc. Về bản chất đó là những cộng đồng nghề nghiệp ra đời và phát triển trực tiếp vì mục đích kinh tế là chủ yếu nhưng đồng thời ngay lập tức và từng bước trở thành một hiện tượng văn hóa đặc trưng của xã hội. Nhiều làng nghề mang đậm dấu ấn văn hóa riêng của cá nhân, gia đình, dòng họ hoặc cộng đồng địa phương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Văn hóa làng nghề, nhất là ở các làng nghề truyền thống, trong thực tế có thể trở thành là một bộ phận trong những loại hình sản phẩm/hoạt động văn hóa đặc thù có vị trí quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giá trị văn hóa làng nghề, vì vậy, cần được bảo tồn, phát huy như một trong những vốn di sản có thể góp phần tạo cơ sở nền tảng lâu dài cho sự phát triển bền vững bản thân làng nghề, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, gồm cả hoạt động du lịch nói riêng.
Trong điều kiện kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, để góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng nghề thì chủ và khách thể tham gia không thể chỉ đóng khung trong giá trị văn hóa chuyên biệt của từng ngành nghề, địa phương mà phải tìm cách liên kết. Liên kết để văn hóa làng nghề, nhất là ở các làng nghề truyền thống lâu đời, có thể trở thành là một sản phẩm hoặc là một bộ phận trong những loại hình sản phẩm/hoạt động văn hóa đặc thù có vị trí quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì thế, những kinh nghiệm quốc tế về văn hóa làng nghề kết hợp với du lịch từ thế giới đến với Việt Nam và ngược lại sẽ là một vốn kiến thức và kinh nghiệm không thể thiếu trong hành trình "đãi cát tìm vàng" để tìm ra phương cách thích hợp nhất với từng ngành nghề, địa phương, lãnh thổ nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề.
Bình luận