Nội dung trình bày trong cuốn sách này là một phần những đúc kết nghiên cứu về các mô hình phát triển CTĐT và một phần những đúc kết từ thực tiễn áp dụng CDIO, mà ĐHQG-HCM thực hiện trong các năm gần đây, để đóng góp một khung chuẩn chung giúp thiết kế và phát triển CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra CĐR) yêu cầu. Cuốn sách bao gồm 4 chương, và nhiều phụ lục cung cấp đề cương CĐR, các biểu mẫu thiết kế CTĐT, và chia sẻ một số đề cương môn học dựa trên CĐR, thuộc Đề án áp dụng CDIO và thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tại ĐHQG-HCM.
Chương 1 cung cấp một tổng quan về các mô hình phát triển CTĐT với mục tiêu lựa chọn các mô hình dựa trên nguyên lý lấy người học làm trung tâm (learner-centered).
Chương 2 trình bày những đúc kết áp dụng các mô hình kết hợp cả hai cách tiếp cận dựa trên CĐR và lấy người học làm trung tâm, để xây dựng một khung CTĐT giúp phát triển CTĐT đáp ứng mục tiêu giáo dục hay CĐR yêu cầu.
Trên cơ sở "khung CTĐT tích hợp dựa trên CĐR", Chương 3 và Chương 4 cung cấp các hướng dẫn thiết kế, các biểu mẫu liên quan, các thí dụ minh họa, và nhiều đề cương môn học dựa trên CĐR thuộc các đề án giáo dục đang được thực hiện tại ĐHQG-HCM.
Mô hình đào tạo dựa trên CĐR đòi hỏi các cơ sở Giáo dục Đại học chứng minh sinh viên tốt nghiệp đạt được đầy đủ các CĐR yêu cầu. Tác giả hy vọng rằng những đúc kết nghiên cứu và thực tiễn phát triển CTĐT mà ĐHQG-HCM chia sẻ trong cuốn sách này là những đóng góp thiết thực giúp phát triển CTĐT có mục tiêu rõ ràng, được thiết kế và thực hiện nhất quán nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Bình luận