Cuốn sách Giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế mà bạn đọc đang có trong tay không chỉ nhằm nói đến những vấn đề cơ bản của một bối cảnh quốc tế trong đó, giáo dục Việt Nam đang trên đường hội nhập mà còn chuyên chở những trăn trở ở một ngã tư đường với những câu hỏi lớn về hợp tác và cạnh tranh, nhà nước và thị trường, đánh giá quốc gia và xếp hạng quốc tế, cùng những kịch bản về các tương lai của giáo dục.
Hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành một định hướng chung trong tiến trình đổi mới giáo dục ở nhiều quốc gia. Riêng trong giáo dục đại học, nó được coi là một yếu tố động lực trong đổi mới.
Đối với giáo dục đại học, Báo cáo khảo sát toàn cầu lần thứ 4 (năm 2014) của IAU về quốc tế hóa giáo dục đại học cũng cho thấy một bức tranh hội nhập không bằng phẳng, trong đó các quốc gia có những nỗi lo khác nhau về thương mại hóa giáo dục, nạn chảy máu chất xám, sự gia tăng khoảng cách giáo dục giữa nước giàu và nước nghèo, nguy cơ phân tầng xã hội mạnh hơn do chỉ có con cái nhà giàu được hưởng lợi, tình trạng không kiểm soát nổi của các "xưởng văn bằng", ...
Nói như vậy để thấy rằng, đề cập đến hội nhập quốc tế về giáo dục là đụng đến một tiến trình đang diễn biến phức tạp, với những động lực và rào cản có thể thấy được, nhưng tác động thì khó lường, cách đánh giá thì khác nhau và luôn gây tranh cãi, nhất là ở các nước đang phát triển.
Cuốn sách Giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế mà bạn đọc đang có trong tay không chỉ nhằm nói đến những vấn đề cơ bản của một bối cảnh quốc tế trong đó, giáo dục Việt Nam đang trên đường hội nhập mà còn chuyên chở những trăn trở ở một ngã tư đường với những câu hỏi lớn về hợp tác và cạnh tranh, nhà nước và thị trường, đánh giá quốc gia và xếp hạng quốc tế, cùng những kịch bản về các tương lai của giáo dục.
Bức tranh toàn cầu về hội nhập quốc tế giáo dục, từ thế giới đến Việt Nam, đã được PGS.TS. Phạm Lan Hương mô tả trên các chiều đo khác nhau của nó. bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những dẫn giải rõ ràng từ những vấn đề chung nhất như những khái niệm về toàn cầu hóa (chương 1), quốc tế hóa giáo dục (chương 2), một số xu thế trong bối cảnh toàn cầu hóa (chương 6), phân tích các nền giáo dục quốc tế theo một số bình diện (chương 8), đến những vấn đề cụ thể như giáo dục khu vực Đông Nam Á (chương 10), một số nền giáo dục tiêu biểu thế giới (chương 11), và đặc biệt là những vấn đề về giáo dục Việt Nam trên đường hội nhập quốc tế (chương 12, 13, 14 và 16).
Trên nền bức tranh chung đó, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đã tô đậm những mảng màu đặc trưng của hội nhập quốc tế về giáo dục trong bối cảnh một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Đó là những vấn đề đến nay vẫn mang tính thời sự, với nhiều tranh cãi cùng các câu hỏi còn để ngỏ, như thương mại dịch vụ giáo dục (chương 3), thị trường giáo dục (chương 4), xây dựng các không gian giáo dục chung (chương 5), các tương lai của giáo dục (chương 7), hội chứng xếp hạng đại học (chương 9), hiện trạng hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam (chương 15), cùng vấn đề quốc tế hóa tại chỗ của giáo dục đại học Việt Nam (chương 16).
Với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào nỗ lực tìm lời giải tối ưu cho bài toán hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐHQG TPHCM trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến tất cả những ai quan tâm đến giáo dục nói chung, hội nhập quốc tế về giáo dục nói riêng - các nhà giáo, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cùng các bạn học sinh, sinh viên - để cùng với các tác giả suy ngẫm về con đường gập ghềnh phía trước mà giáo dục Việt Nam còn phải trải qua để có thể hội nhập thành công với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận